NSUT. Hồng Năm – “Định danh” dân ca xứ Nghệ

Đăng ngày 11/10/2021 lúc: 11:22103 lượt xem

NSUT. Lê Hồng Năm, nghệ danh Hồng Năm sinh ra ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Con đường đến với “thánh đường” âm nhạc, từ quê lúa đến sân khấu lộng lẫy của chị không khác “duyên nghiệp”.

Chị kể rằng, “Hình như mỗi người sinh ra đã có một ngôi sao chiếu mệnh rồi nên không cưỡng được đường đi của số phận. Tôi mê hát từ thuở nhỏ, thuở đi cày, đi cấy trên đồng đã được thấm nhuần những điệu hò ví dặm phục vụ lao động sản xuất. Hồi đó, Đoàn ca múa miền núi Nghệ Tĩnh đi sơ tán ở làng tôi. Tôi vẫn nhớ, cô Trưởng đoàn ở tại nhà tôi và có con nhỏ nên tôi thường bế em cho cô đi diễn. Thỉnh thoảng tôi cũng hát ru cho bé ngủ. Nào ngờ, khi nghe giọng của tôi, mọi người bảo, bé Năm có chất giọng hay, khi đủ tuổi sẽ quay trở về để tuyển vào Đoàn”. Hồng Năm có biệt tài, kể chuyện “thuần Nghệ”, đắm say như trên sân khấu.

Năm ấy, Hồng Năm mới 14 tuổi. Hồi đó, các cô chú của đoàn chèo về làng tuyển “nhắm” được cô bé. Trong giấc mơ thời thơ ấu Hồng Năm cũng chưa dám nghĩ mình là ca sĩ đứng trên sân khấu. Khi có người của đoàn văn công về tận nhà tuyển thì Hồng Năm vội vã chạy lên ngọn đồi sau nhà và dặn mẹ: “Con xấu hổ lắm, không thi đâu, khi mô họ đi thì mẹ gọi con về nhé!”. Anh trai Hồng Năm phải lên tận chỗ “ẩn nấp” gọi về. Đến bây giờ Hồng Năm không quên, từng chi tiết cuộc “trốn tìm”. Hồng Năm đã thi tuyển bằng bài hát “Ơi con suối La La”, do anh trai đi bộ đội về dạy. Chị trúng tuyển và “khăn gói quả mướp” theo các cô chú về Vinh, vừa học văn hóa vừa học âm nhạc. Năm đó, chị mới học lớp 7, như nhành mạ xuân vùng rặt lúa Yên Thành, xứ Nghệ.

Một thời gian sau khi thành “văn công”, Hồng Năm về nhà thăm gia đình và gặp một người lính từ chiến trường trở về. Anh trở về trước sự ngạc nhiên của bao nhiêu người, vì trước đó, làng xóm tưởng anh đã hy. Anh em trong làng biết nhau hết, khi gặp lại, anh có cảm tình với chị và đặt vấn đề cưới xin. Gia đình chấp thuận. Phụ huynh hồi đó, ai cũng lo con gái “ế chồng”, lấy chồng bộ đội được “làm dâu cụ Hồ”, người Nghệ luôn tự hào. Ưng trong bụng, hiềm một nỗi, anh bắt chị bỏ nghề hát để về chăm sóc gia đình.

Hồng Năm suy nghĩ rất nhiều và quyết định… theo chồng bỏ cuộc hát, dù đam mê vừa nhóm. Tuy nhiên, anh trai Hồng Năm “cản”, cho rằng, chị đã thoát ly nghề nông rồi thì không thể quay trở lại với ruộng đồng được. Anh trai chị dọa: “Cái Năm, mày mà bỏ hát về là tao chặt chưn!”. Mối duyên đó không thành và Hồng Năm trở lại với ánh đèn sân khấu.

Nhắc lại kỷ niệm thời Nghệ Tĩnh, Hồng Năm không quên những ngày gian khổ nhưng say nghề. Năm 1972, cả nước bước vào giai đoạn đấu tranh đánh đuổi giặc Mỹ vô cùng ác liệt. Nhiều lần, các nghệ sỹ đang biểu diễn cho bộ đội xem thì máy bay rú qua bầu trời. Các anh bộ đội vào vị trí chiến đấu, còn diễn viên thì chạy xuống hầm trú ẩn. Khi máy bay bay qua rồi thì tất cả lại tiếp tục biểu diễn phục vụ bộ đội.

“Hồi đó, đi diễn gặp nhiều gian khổ nhưng vui lắm. Cả đoàn đi bằng xe đạp, diễn viên nam thì chở nhạc cụ, loa máy. Con gái thì đèo nhau, đèo lương thực dự trữ… Vui nhất là đi xe đạp không có gác-đờ-bu, phanh bằng… chân, chở nhau xuống dốc ngã dúi dụi vào nhau, đau kêu trời mà vẫn cười tí toét. Khổ nhất là thời gian tôi sinh con, không có ai trông con cho nên đi đâu cũng phải cắp con theo. Có những lúc, mọi người đã tìm được nhà dân để nghỉ ngơi thì hai mẹ con tôi vẫn phải ôm nhau đứng chờ anh Trưởng đoàn đi liên hệ. Những ca sĩ có con nhỏ thường khó tìm chỗ ở hơn, vì nhiều chủ nhà vẫn ngại con đái dầm, khóc lóc đêm hôm khiến người ta không ngủ được”, Hồng Năm nhớ lại. Đôi mắt chị long lanh như bức tranh thủy mặc.

Lại nói về cái “nôi” nghệ thuật ban đầu của Hồng Năm. Chị vào nghề được 2 năm thì Nghệ Tĩnh tách Đoàn Dân ca, chèo Nghệ An thành hai đoàn mới là Chèo Nghệ An và Dân ca Hà Tĩnh. Hồng Năm là người Nghệ An, xung phong “đầu quân” cho Dân ca Hà Tĩnh thích hát, nhưng ở đoàn Chèo thì phải diễn kịch. Hồng Năm theo học tại Nhạc viện Hà Nội trọng 4 năm, sau khi tốt nghiệp chị trở lại Đoàn dân ca Hà Tĩnh, dù Hiệu trưởng nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương khuyên ở lại Hà Nội. Chị bảo đó là thời kỳ chị hát tân nhạc. Chọn “đi xa”, Hà Tĩnh vất vả hơn Nghệ An nhưng chị bảo đấy là một cơ hội tuyệt vời, không phải ai cũng có được.

Sau khi trở về, năm 1985, Hồng Năm tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt Huy chương Vàng với bài hát “Sông Ngàn sâu” của nhạc sĩ An Thuyên. Lúc đó, với ý muốn phát triển nghề nghiệp cao hơn nữa, cũng như muốn có dịp đi biểu diễn nhiều nơi trên toàn quốc, Hồng Năm mới quyết định xin ra Đoàn ca múa của Bộ Nội vụ (nay là Đoàn Ca múa Công an nhân dân). Đây là một bước chuyển biến mới và cũng cho chị cơ hội mang tiếng hát phục vụ khán giả trên khắp cả nước. Nơi cuối cùng chị “đầu quân” là Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương do chính GS.TS.NGND Nguyễn Văn Thương sáng lập.

NSUT Hồng Năm có “duyên” với giải thưởng, tham gia bất cứ cuộc thi nào chi cũng có giải. Năm 1989 chị tham gia Cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt hai giải: Giải Ba dòng nhạc dân gian và “Giải Người hát dân ca Việt Nam hay nhất”. Hai giải thưởng này cũng là “bệ đỡ” để Hồng Năm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (năm 1997).

NSUT. Hồng Năm từng được gọi trân trọng là “người có công mang dân ca xứ Nghệ ra sân khấu Thủ đô’. Trong cuộc đời nghệ sỹ của mình, chị từng hát nhiều ca khúc của các nhạc sĩ người miền Trung và ca khúc nào cũng có đặc điểm riêng khiến chị “say”. Đặc biệt, không chỉ là những bài hát đã đi vào lòng công chúng mà ngay cả nhưng bài hát mới sáng tác, các nhạc sĩ đều mời Hồng Năm hát đầu tiên.

Nhắc đến Hồng Năm, người yêu nhạc nhớ đến một ca sỹ chuyên hát dân ca Nghệ Tĩnh, được khán giả mến mộ. Tên tuổi của NSUT. Hồng Năm được “định dạng” qua các bài hát: “Câu hát quê hương” (nhạc Hồ Hữu Thới); “Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ” (nhạc Dân Huyền); “Hoa cau vườn trầu” (nhạc Nguyễn Tiến); “Mai em về Hà Tĩnh” (nhạc Trần Hoàn); “Xa khơi” (nhạc Nguyễn Tài Tuệ)…Đặc biệt, Hồng Năm trở thành “thương hiệu Nghệ” khi hát các bài hát mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ như “À ơi, hai tiếng quê hương”, “Bến thuyền hẹn đợi”, “Hương cau vườn Bác”, “Xay lúa”…

Hồng Năm kể rằng, chị không bao giờ quên, khoảng những năm 1986 -1987, hồi chị đang ở Đoàn Ca múa của Bộ Nội vụ (đường Hoàng Cầu). Cứ mỗi lần trời mưa bão là nước ngập hết cả đường đi, phải rất khó khăn mới lội qua được. Có lần, nhạc sĩ Trần Hoàn viết được một ca khúc mới, nhà ông ở phía bên kia đường, không thể lội sang được. Hồi đó không có điện thoại như bây giờ đâu, ông xắn quần tận đầu gối và đứng phía bên kia đường gọi “Hồng Năm ơi!”. Không nghe tiếng chị trả lời. Nhìn thấy ai thì ông lại nhắn gọi Hồng Năm xuống. Thế rồi hai chú cháu, người bên này đường, người bên kia đường trao đổi với nhau rằng ngày này, ngày nọ đến hát ca khúc mới cho chú…Trần Hoàn “ký thác” tác phẩm của ông vào giọng hát Hồng Năm.

Theo NSUT. Hồng Năm, hát dân ca hay bất kỳ dòng nhạc nào đầu tiên phải hiểu nội dung bài hát, tạo xúc cảm để chuyển tải đến người nghe. Với riêng dân ca thì phải biết bài dân ca ấy là của vùng miền nào để phát âm cho chuẩn tiếng địa phương của vùng miền ấy. Chị bảo, hát dân ca Nghệ Tĩnh không dễ chút nào, phải là người chính gốc Nghệ thì hát mới hay, hát mới có chiều sâu được.

Lâu nay không thấy Hồng Năm xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chị bảo, cũng chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ đơn giản vì chị nghĩ giờ mình đã… già rồi nên “nhường” và cổ vũ lớp trẻ. “Tôi nghĩ, mỗi một nghệ sĩ đều có “thời” của mình, không nên “cố đấm ăn xôi” làm gì”, Hồng Năm cười nhẹ nhõm. Nói vậy thôi, NSUT. Hồng Năm vẫn nhận lời mời đi biểu diễn ở các nơi đấy. “Ca sĩ, trừ phi không hát được nữa, thì ít người bỏ nghề lắm. Chẳng qua, tôi là người “lười” tiếp các nhà báo”, chị trải lòng, thánh thiện. NSUT. Hồng Năm lại ngọt ngào với “Câu đợi cầu chờ”, với tất cả hoài niệm.

Ngô Đức Hành

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *