Cùng doanh nhân vượt khó

Đăng ngày 13/10/2021 lúc: 10:5871 lượt xem

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội cùng gặp gỡ cộng đồng doanh nhân trong ngày 12-10. Nhiều thông điệp đã được đưa ra để cùng vượt khó.

Cùng doanh nhân vượt khó - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nhân trẻ tại TP.HCM sáng 12-10 – Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều doanh nhân đã đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ để có thể phục hồi, phát triển. Đã có những đối đáp giữa yêu cầu của doanh nghiệp (DN) và trả lời của các bộ ngành.


“Trong quá trình ban hành các quyết sách phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, nhiều nơi vẫn còn tâm lý sợ trách nhiệm và tư duy xin – cho, ngăn cấm.” – 
Ông Phạm Phú Trường (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM)

“Thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình”…

Dẫn những con số cho thấy mức độ tàn phá của dịch bệnh lên nền kinh tế (trên 100.000 DN sản xuất phải dừng hoạt động, biến mất khỏi thị trường, riêng TP.HCM đã có trên 15.000 DN dừng hoạt động), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chưa bao giờ phát triển kinh tế TP.HCM bị âm nặng như vậy, từ hoạt động sản xuất, thu ngân sách, việc làm đều rất khó khăn.

“Tổn thất về tài sản, con người là rất lớn. Hiểu được những mất mát này để chúng ta có ý chí vươn lên trong khó khăn” – ông nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đã gửi gắm 5 điều đến với cộng đồng DN, đó cũng là những liều thuốc, nền tảng để các DN nhanh chóng phục hồi sau đại dịch gồm: tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí lớn, sáng tạo và cuối cùng là niềm tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cảm ơn sự động viên, tin tưởng của DN, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cho rằng “càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng DN khi sản xuất, kinh doanh thì DN là trung tâm, là chủ thể”.

Thủ tướng bày tỏ sự thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và DN và khẳng định dù đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, DN, song với mong muốn và ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu nên cố gắng nhiều hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; cũng như sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Hiện chúng ta từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Song quá trình mở cửa trở lại phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng.

Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ cả phía cầu và phía cung; hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng…

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách; từng bước mở cửa du lịch an toàn; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vắc xin… “Đây là bài toán khó đòi hỏi phải thận trọng, tỉnh táo nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” – Thủ tướng nói.

Cùng doanh nhân vượt khó - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các doanh nhân tiêu biểu – Ảnh: TTXVN

Không muốn “ngồi ghế dự bị”

Ông Đặng Văn Thành – chủ tịch Tập đoàn TTC – thừa nhận dù ở thương trường hơn 40 năm, trải qua nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế nhưng “chưa có trận chiến nào kinh khủng như đại dịch COVID-19”.

Dịch đã thay đổi cả sinh hoạt của con người, văn hóa, cách thức kinh doanh của DN, nhưng cũng trong khó khăn mới xuất hiện những doanh nhân vượt trội, biết thích nghi với tình hình mới.

Ông Thành đề xuất một “quy trình ngược” mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ làm thí điểm đầu tiên. Theo đó, những doanh nhân nào cảm thấy cân đối được tài chính, còn vững mạnh thì đăng ký không cần giãn thuế, miễn thuế, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”. “Với nguồn ngân sách khiêm tốn thì chúng ta nên tập trung chứ không thể đại trà được” – ông Thành nói.

Theo ông Phạm Phú Trường – chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, đợt dịch bệnh kéo dài vừa qua là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ.

Tuy nhiên, “DN vẫn chưa được xem là một phần giải pháp, chưa được tận dụng như nguồn lực chính trong quá trình hồi phục chống dịch và khôi phục kinh tế. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, chúng tôi còn ngồi ghế dự bị khá nhiều, thậm chí ngồi ở hàng ghế khán giả dù đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế” – ông Trường nhận định.

Cùng doanh nhân vượt khó - Ảnh 4.

Dữ liệu: N.HIỂN – Đồ họa: T.ĐẠT

Cần môi trường tốt để vượt khó

Ông Nguyễn Đình Trung – chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh – cho rằng luật hiện nay đang rất chồng chéo trong khi tác động của các luật lên nền kinh tế rất lớn.

Doanh nhân cần cơ chế cởi mở, công bằng, minh bạch để có nhiều cơ hội đóng góp hơn cho đất nước. Cần ban hành quy định người soạn thảo luật phải chịu trách nhiệm về các luật do họ soạn thảo, tránh tình trạng vô trách nhiệm.

Chỉ ra bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch, khiến nhiều DN có nguy cơ phá sản, ông Lê Vĩnh Sơn – chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà – cho hay DN Việt Nam đã kiên trì tìm hướng đi mới, tìm ra các giải pháp để duy trì và phát triển kinh doanh.

Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân của DN là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để DN vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.

Theo đó, ông Sơn kiến nghị Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, đáp ứng 4 mục tiêu: tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của DN nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.

“Cần ổn định chính sách tài khóa, hỗ trợ DN có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để DN được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khóa cần thực hiện có trọng tâm. Hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc” – ông Sơn nói.

Ông Đặng Hồng Anh – chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – cho biết nhiều DN chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước do khó chứng minh nguồn thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên cần xem các thành phần kinh tế đều bị ảnh hưởng và có chính sách chung cho phép giãn nợ từ 6 – 12 tháng…

“Cần gói hỗ trợ vốn như bơm oxy cho DN. Gói hỗ trợ đó có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công được Quốc hội hoặc có thể cân nhắc lấy một phần từ dự trữ ngoại hối và từ các ngân hàng” – ông Hồng Anh kiến nghị.

Cùng doanh nhân vượt khó - Ảnh 5.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho anh Hoàng Tuấn Anh (chủ dự án ATM gạo, ATM oxy) và các doanh nhân trẻ tại buổi gặp mặt sáng 12-10 – Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Lê Vĩnh Sơn (chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà): Đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với DN làm ăn thua lỗ; chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Từ đầu năm tới nay, ước tổng hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng lên tới khoảng 60.000 tỉ đồng. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân nhưng đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô… Đề nghị các DN cũng hết sức chia sẻ với hệ thống ngân hàng trong quá trình này.

Ông Trần Xuân Hà (thứ trưởng Bộ Tài chính):

Tiếp thu ý kiến doanh nghiệp

Gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí… nếu thực hiện từ nay đến cuối năm thì tổng kinh phí là 138.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các DN.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các DN và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm chúng ta có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh…

Về phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế lãi suất đối với DN vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Tấn Công (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN):

Phục hồi hậu giãn cách cần nhiều năm

Những khó khăn mà DN phải đối mặt là đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động… Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, nên DN cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại. Đặc biệt, DN kỳ vọng sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế có tính khả thi cao, cũng như mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương.

Ông Hồ Quốc Lực (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng):

Đừng coi nhẹ sự tồn vong của doanh nghiệp

Hơn 3 tháng qua, tôi chỉ ôm nỗi lo canh cánh về dịch bệnh. Tỉnh Sóc Trăng có ca dương tính từ đầu tháng 7-2021. Doanh nghiệp (DN) tôi đi vào sản xuất “3 tại chỗ” giữa tháng 7-2021.

Thực tế, chúng tôi đã phải chủ động trước. Khi tỉnh chưa công bố tiêu chí sản xuất “3 tại chỗ”, chúng tôi đã tìm hiểu DN bạn trên Long An.

Khi có thông báo, DN tôi đi vào sản xuất “3 tại chỗ” một cách chủ động vì đã có phương án chuẩn bị trước. Song song đó, chúng tôi hết sức coi trọng công tác kiểm soát sức khỏe người lao động, nên chúng tôi duy trì được thành quả tới hôm nay.

Tuy vậy, việc chỉ đạo phòng chống dịch ở các tỉnh thành phải nói thẳng là có nhiều điểm không nhất quán, gây biết bao phiền toái cho lưu thông và góp phần làm chết oan không ít DN.

Không ai muốn rút kinh nghiệm cho giai đoạn đen tối này vì không ai muốn tình huống đó tái diễn. Nhưng nói gì thì nói, bây giờ nếu được phục hồi hoạt động, các DN sẽ chú ý hơn tất cả các quy định phòng chống dịch.

thuy san

Chế biến sản phẩm tôm tại Công ty cổ phần thủy sản Sao Ta để xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu – Ảnh: KHẮC TÂM

Công tâm mà nói, cũng có địa phương đã quá tay mà quên mất người dân còn sức khỏe sẽ sinh kế ra sao sau đó. Một suy nghĩ “cứng”, coi quá nhẹ sự tồn vong của DN, sau này kêu gọi thu hút đầu tư, ai tin!

Tôi có tới hai nhà máy đi vào hoạt động năm 2022. Tôi thiết nghĩ sẽ sớm nhận đủ 3.000 lao động cho hai nhà máy này vì chúng tôi có thế mạnh. Thực ra Chính phủ đã có nghị quyết thực hiện các khu công nghiệp gắn liền khu lưu trú và dịch vụ đi kèm. Nhưng ở miền Tây điều này hoàn toàn còn trên giấy.

Để xây dựng những miền quê đáng sống, nan giải nhất là con người có tầm nhìn và quyết đoán, thứ hai là tiền bạc để thực hiện các quyết đoán nêu ra. Cả hai đều toàn là hàng hiếm ở miền Tây này.

Tôi nghe nói Sóc Trăng được Chính phủ cho quy hoạch cảng biển nước sâu ngoài khơi và gắn liền trên bờ là các khu công nghiệp đa tính năng như trên. Tôi nghĩ đó là một giấc mơ quá đẹp và hy vọng sớm thành hiện thực.

HOÀNG TRÍ DŨNG – KHẮC TÂM ghi

Phục hồi trong năm nay để năm sau tăng tốc

* Gần 90% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khôi phục sản xuất

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ như vậy tại cuộc gặp của Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trong khi đó, tín hiệu doanh nghiệp trở lại sản xuất ở TP.HCM đã tích cực hơn.

Theo ông Phan Văn Mãi, khi tình hình chống dịch dần ổn định, TP xác định sẽ trao trách nhiệm cho doanh nghiệp, người dân để thực sự là chủ thể trong quá trình hồi phục kinh tế. Hiện TP trong giai đoạn dưỡng thương, ông Mãi cho hay sẽ cố gắng phục hồi trong năm nay để năm sau tăng tốc mạnh mẽ.

Cho rằng cộng đồng doanh nghiệp là một trong những người trực tiếp triển khai chương trình, chiến lược phục hồi kinh tế, chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP đã xác định những việc cần làm ngay sau giãn cách, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, dự kiến trong tháng 10 và những tháng sau đó, sẽ có nhiều công trình, dự án được khởi động sau khi tạm ngưng vì dịch, từng bước vận hành lại nền kinh tế.

TP cũng chủ động kết nối lại với các tỉnh, lưu thông hàng hóa suôn sẻ hơn cho doanh nghiệp.

san xuat

Công nhân ngành dệt may quay trở lại nhà xưởng ở TP.HCM sau ba tháng ngừng sản xuất – Ảnh: N.HIỂN

* Ngày 12-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết đã có 1.233/1.412 doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP thông báo tái hoạt động.

Tỉ lệ khôi phục sản xuất đạt 87,3% trên tổng số doanh nghiệp hoạt động thời điểm chưa có dịch bệnh và giãn cách xã hội, tăng 65% so với số lượng doanh nghiệp hoạt động trước khi thực hiện chỉ thị 18.

Theo vị này, tỉ lệ lao động của các doanh nghiệp tham gia tái sản xuất đạt 168.631 người, đạt 58,5%, tăng 137% so với số lượng lao động trước khi thực hiện chỉ thị 18.

NHƯ BÌNH -NGỌC HIỂN

https://tuoitre.vn/cung-doanh-nhan-vuot-kho-20211013083630658.htm

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *