Bộ trưởng GTVT: Xây dựng cơ chế phát huy thế mạnh vận tải ven biển

Đăng ngày 15/10/2021 lúc: 10:0999 lượt xem

Phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển bằng tàu pha sông biển (VR-SB) sẽ được Bộ GTVT ưu tiên đặc biệt trong thời gian tới. Phát triển vận tải ven biển không chỉ tận dụng lợi thế bờ biển dài của đất nước, hệ thống sông, kênh tự nhiên mà thiên nhiên ưu đãi cho đất nước mà còn khai thác triệt để thế mạnh của phương thức vận tải có khả năng chở tải trọng lớn, an toàn và tiết kiệm chi phí.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistics vận tải thủy và ven biển. Ảnh: VGP/PT
Ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistics vận tải thủy và ven biển, với sự tham gia của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Việt Nam có 2.360 sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 42.000 km với 9 hệ thống sông lớn đổ ra biển thông qua 120 cửa sông, tổng chiều dài đường thủy cả nước đang được quản lý khai thác là hơn 17.000 km. Hiện nay, toàn quốc đã có 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến các cảng biển và tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB.
“Vận tải đường thủy có ưu điểm về giá cước vận chuyển thấp, có độ an toàn cao và ít ảnh hưởng môi trường. Hiện vận tải thủy chiếm khoảng 19% tổng lượng hàng hóa trong nước. Có nghĩa là cứ 5 tấn hàng lưu thông thì có 1 tấn hàng được chuyển bằng đường thủy và chiếm hơn 20% khối lượng hàng hóa luân chuyển toàn quốc. Vận tải thủy đảm nhận vận chuyển 45% lượng hàng hóa ở vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ 47,5% và tại ĐBSCL chiếm gần 79,7%”, ông Thu thông tin.
Tuy nhiên, vận tải đường thủy đang gặp nhiều hạn chế như: Các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, tồn tại các điểm nghẽn và các cầu có tĩnh không thấp (như cầu Đuống, cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, cầu Sa Đéc). Cự li vận chuyển trung bình của các tuyến đường thủy nội địa là 112km ngắn hơn so với đường bộ (143km) do đó rất ít tuyến luồng bảo đảm cho phương tiện trên 2.000 tấn hoặc phương tiện thủy chở hàng container 3 lớp hoạt động thông suốt an toàn.
Phương tiện thủy hiện nay chủ yếu vẫn là phương tiện loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp, phương tiện chở hàng trên cả nước mới có 639 chiếc. Việc kết nối giữa vận tải đường thủy với các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa thuận lợi, nhiều cảng biển chưa có cầu bến để phương tiện thủy nội địa làm hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp vận tải thủy hầu hết là tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính thấp và phương tiện cũ…
“Đây là hạn chế ảnh hưởng lớn tới tính cạnh tranh của vận tải đường thủy so với vận tải đường bộ”, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cho biết.
Về phía các doanh nghiệp và hiệp hội, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải kiến nghị một số địa phương quy định thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đang làm tăng gánh nặng cho chủ hàng, không khuyến khích được vận tải thủy phát triển.
Đại diện Công ty TNHH Hải Linh kiến nghị cần thay đổi việc khai báo thủ tục giấy tờ bằng khai báo qua điện tử, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Bởi “có những khi tàu phải neo đậu xa cảng bến, thuyền trưởng phải vẫy đò, đi xe ôm hay taxi mới đến địa điểm làm thủ tục cảng vụ sau đó quay về thì mới đưa xà lan về làm hàng được”.
Vận tải ven biển bằng tàu pha sông biển VR-SB là loại hình vận tải Bộ GTVT sẽ ưu tiên đặc biệt và tiếp tục thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Lắng nghe những ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong những năm qua, Bộ GTVT luôn quan tâm đến phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy, để tận dụng lợi thế bờ biển dài của đất nước, hệ thống sông, kênh ngòi tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng rất thuận lợi cho phát triển vận tải thủy.
Khi thực hiện xây dựng quy hoạch 5 lĩnh vực của ngành giao thông (đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt), Bộ GTVT đã xác định vận tải thủy là một trong những lĩnh vực trọng điểm quốc gia, cần ưu tiên đặc biệt trong thời gian tới. Bởi phương thức vận tải thủy không chỉ có ưu điểm về giá cước vận chuyển thấp, có độ an toàn cao, ít ảnh hưởng môi trường mà còn đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy và kết nối với các cảng biển, cảng cạn nội địa (ICD).
Tuy vậy, vận tải thủy phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của đất nước và có sự chênh lệch lớn giữa vận tải thủy phía nam và phía bắc do đường thủy còn bị cản trở bởi tĩnh không cầu thấp, việc đầu tư xây dựng cảng thủy ở các tuyến sông có đê rất khó khăn, phức tạp do quy định của pháp luật đê điều, chính sách đầu tư cảng thủy…. “Tại sao hệ thống vận tải thủy phía bắc và phía nam có điều kiện tương tự nhưng việc gom hàng xuất nhập khẩu bằng đường thủy ở phía nam lại đạt hơn 10%, còn phía bắc mới chỉ ở mức 1,8%?”, Bộ trưởng nêu vấn đề.
“Quy hoạch xây dựng phải làm sao để phát triển đồng bộ để kết hợp lợi thế của hàng hải và đường thủy, giảm tải cho vận tải đường bộ. Đơn cử như tại Cảng Cát Lái có cảng thủy nội địa nằm trong cảng biển, phát huy rất tốt thế mạnh của vận tải thủy khi vận chuyển hàng đi khu vực phía nam. Tại Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng có điều kiện bổ sung cảng thủy nội địa như vậy, khi có cảng thủy nội địa sẽ hoạt động độc lập vận chuyển hàng hóa từ các kênh đến cảng hàng hải và ngược lại. Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa cần tham mưu, xây dựng hình thành các cảng mới kết hợp cảng thủy và cảng biển, như vậy mới tập kết được hàng container về cảng biển”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng lưu ý các đơn vị chuyên môn của Bộ cần xác định rõ vùng tập trung để phát triển đường thủy nội địa. Đầu tiên là cụm cảng phía bắc, trong 3 tuyến đường thủy quốc gia thì tuyến từ Việt Trì đến cảng Hải Phòng là quan trọng nhất nhưng hiện nay đang khai thác hạn chế nên cần chú trọng vào xây dựng hạ tầng cảng biển, cảng thủy khu vực Đồng bằng sông Hồng. Khu vực ĐBSCL và cảng Cái Mép – Thị Vải đang làm rất tốt khi 70% hàng hóa gom bằng hệ thống đường thủy nội địa, dư địa khu vực này còn lớn nên cần nghiên cứu phát huy thế mạnh đường thủy, sông ngòi khu vực này thêm trong thời gian tới.
“Vận tải ven biển bằng tàu pha sông biển VR-SB là loại hình vận tải Bộ GTVT sẽ ưu tiên đặc biệt và tiếp tục thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Ngành giao thông sẽ đề xuất cơ chế đặc biệt để phát triển đội tàu pha sông biển VR-SB, cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng để nâng cấp đội tàu, chính sách giảm thuế phí với vận chuyển đường thủy để thu hút khách hàng… Các Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa và Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp để đưa ra đề xuất, cải tiến quy định về phương tiện vận tải ven biển, phát huy được thế mạnh của loại hình vận tải này trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.


https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Bo-truong-GTVT-Xay-dung-co-che-phat-huy-the-manh-van-tai-ven-bien/449596.vgp

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *