Nhanh chóng đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống

Đăng ngày 19/10/2021 lúc: 11:2972 lượt xem

Luật Bảo vệ môi trường được thông qua đã giảm được 34% thời gian và thủ tục hành chính. Việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật Bảo vệ môi trường có nhiều chế định mới bảo đảm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức họp với một số Hội, Hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chể hóa nhiều chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, có nhiều chế định mới bảo đảm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”; cắt giảm và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… Việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận cùng Ban soạn thảo để cùng thống nhất những vấn đề chung và hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Nguyễn Hoài Nam đề nghị cần phải tiến tới điện tử hóa các thủ tục hành chính về việc cấp các giấy phép môi trường. Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, cần quy định rõ ràng về thời gian cấp phép, thời gian thẩm định tránh việc mỗi địa phương phát sinh các thủ tục hành chính khác nhau…

Trao đổi về vấn đề về quy định nhãn xanh, nhãn sinh thái, bà Nguyễn Hồng Minh – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Minh Bạch đề xuất, phải quy định rõ hơn, khuyến khích các ngành hàng tự xây dựng nhãn sinh thái, xây dựng các tiêu chí ứng xử nội bộ, khuyến khích cộng đồng tiêu dùng xanh…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về việc này, các doanh nghiệp có nhãn xanh sẽ được hưởng nhiều chính sách từ việc có nhãn sinh thái, Nghị định sẽ quy định cụ thể hơn.

Về các thủ tục hành chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, với Luật Bảo vệ môi trường thông qua thời gian và thủ tục hành chính đã giảm được 34%, Bộ TN&MT đứng thứ 5 trong các bộ, ngành thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và cắt giảm các thủ tục hành chính, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi từ những chính sách này.

Tại cuộc họp, Hiệp hội Sản xuất ô tô, xe máy Việt Nam nêu khó khăn trong việc thu gom, tái chế đối với ô tô, xe máy từ người tiêu dùng với tỉ lệ nhất định gây khó khăn cho nhà sản xuất vì người tiêu dùng không có nhu cầu thải bỏ. Dự thảo Nghị định cũng chưa có quy định trách nhiệm của người tiêu dùng; việc quy định thu gom, tái chế làm giá thành sản xuất tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về lộ trình không sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, rất nhiều phương tiện ô tô, xe máy cũ là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí. Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội đóng góp thêm cho cơ quan Nhà nước để tạo ra sự cân bằng trong phát triển.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa. Những vấn đề chung sẽ đưa vào trong Nghị định, những vấn đề chi tiết hơn và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng sẽ đưa vào trong thông tư hướng dẫn. Bộ cũng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các Hội, Hiệp hội để đưa ra những chính sách chung có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, tạo sự công bằng về môi trường cho người dân Việt Nam ngang bằng với các nước phát triển.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian này, Bộ TN&MT sẽ báo cáo và đề nghị Quốc hội, Chính phủ xin miễn, giảm một số chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội bị ảnh hưởng từ COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và chuyên gia xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TN&MT từ ngày 15/6/2021.

Cơ quan soạn thảo đã chú trọng lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: Mời một số hiệp hội doanh nghiệp trực tiếp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập; phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn riêng ý kiến của các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp.

https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nhanh-chong-dua-Luat-Bao-ve-moi-truong-vao-cuoc-song/449990.vgp

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *