Muốn khôi phục được kinh tế phải kiểm soát được dịch bệnh

Đăng ngày 14/10/2021 lúc: 09:1074 lượt xem

Muốn phục hồi nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải kiểm soát được dịch bệnh. Sức khỏe người dân là quan trọng nhất. Đồng thời, chính sách phải đảm bảo khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Muốn khôi phục được kinh tế phải kiểm soát được dịch bệnh - Ảnh 1.

Muốn phục hồi nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là phải kiểm soát được dịch bệnh và khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp – Ảnh: CTTĐT CHÍNH PHỦ

Phát biểu tại Hội thảo khoa học về phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương, chiều 13-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định muốn phục hồi kinh tế thì phải kiểm soát được dịch bệnh.

Kiểm soát dịch và hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Thủ tướng, biện pháp kiểm soát dịch bệnh là phải thực hiện 5K, tiếp tục vắc xin, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân và áp dụng các biện pháp khác có thể.

Cùng với biện pháp phòng chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh phải khôi phục doanh nghiệp. Giải pháp là tăng tổng cung và tổng cầu để sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời, nối lại thị trường lao động.

“Tôi đã giao bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tập trung xây dựng kế hoạch khôi phục thị trường lao động”, Thủ tướng nói.

Mặt khác, để khôi phục được doanh nghiệp, các giải pháp về thuế cũng phải được xem xét. Chúng ta có dư địa để nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng nhằm đảm bảo tăng cung – cầu, giúp doanh nghiệp – người dân đều được thụ hưởng chính sách này.

“Chính phủ và địa phương phải bàn với doanh nghiệp các biện pháp để phục hồi kinh tế, với nguyên tắc lợi ích thì hài hòa, còn rủi ro thì chia sẻ” – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Doanh nghiệp mong sớm có tiêu chí quản lý phòng dịch

Góp ý cho các chính sách phục hồi kinh tế, tại hội thảo, ông Choi Joo Ho, tổng giám đốc Samsung VN, đề xuất Chính phủ sớm nhanh chóng soạn thảo tiêu chí quản lý phòng dịch để doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Thực tế, thời gian vừa qua, tiêu chí và các chính sách phòng dịch COVID-19 của Chính phủ và địa phương có sự khác biệt, không đồng nhất khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức nhân sự cũng như kế hoạch sản xuất. Các quy định về phòng dịch chỉ được thông báo trước 1-2 ngày mà lại không được chuẩn hóa.

“Do đó, đối với địa phương, để ban hành chính sách phòng dịch an toàn, chính quyền địa phương cần thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đảm bảo thời gian ban hành chính sách mới đến khi áp dụng là khoảng 1 tuần hoặc tối thiểu 3 – 4 ngày” – tổng giám đốc Samsung kiến nghị.

Còn Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề xuất Chính phủ sớm có kịch bản tổng thể thống nhất trong cả nước, đặc biệt là xây dựng Bộ tiêu chí an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Vừa rồi lãnh đạo TP Đà Nẵng đối thoại với hơn 400 doanh nghiệp thì các doanh nghiệp đều nêu kiến nghị này.

Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét tăng quy mô gói hỗ trợ kích thích kinh tế lên cao hơn. Quy mô gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 1,86% GDP, thấp hơn so với một số nước trong khu vực.

Mặt khác, Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn đến chính sách tín dụng, giãn, hoãn nợ vay cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đặc biệt, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phát sinh của hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng của quý 3 và 4 năm nay.

https://tuoitre.vn/muon-khoi-phuc-duoc-kinh-te-phai-kiem-soat-duoc-dich-benh-20211013190939478.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *