Nóng ruột chờ thông đường giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận

Đăng ngày 09/10/2021 lúc: 10:3371 lượt xem

Đến nay đã hơn một tuần TP.HCM nới lỏng giãn cách với mong muốn cuộc sống sớm hồi phục nhưng hiện việc đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn chưa thể thống nhất, thông suốt.

Nóng ruột chờ thông đường giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận - Ảnh 1.

Kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19 trên quốc lộ 1 giáp ranh Đồng Nai – TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đang rất nóng lòng vì cùng với việc khôi phục sản xuất, họ cần có nhân viên, chuyên gia phải được đến nơi sản xuất, hàng hóa phải được sớm lưu thông.

Chưa thống nhất việc đi lại của xe cá nhân, cách kiểm soát dịch

Các chuyên gia nhận định TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh có mối liên hệ chặt chẽ về lao động, nếu các tỉnh quá thận trọng, mãi đóng cửa việc đi lại, gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, người lao động, sẽ rất khó để phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên hiện tại, ngoài việc cơ bản đồng ý về tổ chức đi lại bằng ôtô thì việc đi lại bằng xe cá nhân vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau (vui lòng xem chi tiết bảng đính kèm).

Khúc mắc lớn nhất hiện tại là giữa TP.HCM và các tỉnh xung quanh chưa thống nhất cách kiểm soát, trong khi giữa các tỉnh với nhau cũng chưa được bàn thống nhất.

Ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết quan điểm là trước mắt tháo gỡ cho việc đi lại của chuyên gia, người lao động để tới nhà máy sản xuất, làm việc.

Việc mở rộng nới lỏng lưu thông liên tỉnh với các đối tượng khác cần thực hiện từng bước theo diễn biến của tình hình dịch bệnh và khi độ phủ của vắc xin đã tăng lên.

Về phương án hợp tác liên vùng trong phòng chống COVID-19 để phục hồi kinh tế, mặc dù nhóm các tỉnh thành Đông Nam Bộ (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An) có chủ trương nhưng hiện còn đang bàn.

Ông Nguyễn Anh Minh – giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương – cho biết phương án tổng thể cho cả vùng còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình diễn biến dịch của các địa phương, nên trước mắt thống nhất phương án giữa các tỉnh với TP.HCM và song phương một số tỉnh với nhau.

Đối với Bình Dương và Đồng Nai cũng có sự giao thoa khá nhiều về lao động nên hai tỉnh sẽ thảo luận để thống nhất phương án đi lại cho chuyên gia, người lao động.

Nóng ruột chờ thông đường giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận - Ảnh 2.

Kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19 trên quốc lộ 1K đoạn giáp ranh TP.HCM và tỉnh Bình Dương trưa 8-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần sớm có bộ tiêu chí chung kiểm soát việc đi lại

Nói về sự quan trọng của việc nhanh chóng phục hồi lưu thông, ông Lê Trung Tính – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM – cho rằng muốn phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, lĩnh vực vận tải cần phải mở trước một bước. TP.HCM và các tỉnh lân cận là một thể thống nhất về phát triển kinh tế nên chậm lưu thông ngày nào sẽ thiệt hại ngày đó.

“Sau nhiều tháng giãn cách, nhiều doanh nghiệp vận tải phá sản vì kiệt quệ, có doanh nghiệp gượng sức để chờ ngày hoạt động trở lại. Những ngày qua người dân có nhu cầu cấp thiết không có xe đi, còn doanh nghiệp vận tải chuẩn bị đủ các điều kiện rồi vẫn phải chờ tiếp” – ông Tính thông tin.

Do vậy cần nhanh chóng mở lại vận tải ở các vùng kinh tế và các địa phương có điểm tương đồng về tỉ lệ tiêm vắc xin cũng như về tình hình phòng chống dịch, đặc biệt là các tỉnh kế cận với TP.HCM.

Về lâu dài, Bà Rịa – Vũng Tàu và nhiều tỉnh ở khu vực ĐBSCL sẽ đủ điều kiện về phủ vắc xin cần mở cửa đi lại với TP.HCM và các tỉnh, nếu có tiêu chí rồi, các tỉnh không cần ngồi lại với nhau nữa.

Ngoài chỉ tiêu về tiêm vắc xin, chỉ cần áp dụng quy định chung về thẻ xanh, thẻ vàng và điều kiện xét nghiệm là được. Bộ tiêu chí này cũng áp dụng cho nhiều vùng kinh tế khác.

Từ doanh nghiệp, ông Lâm Thiếu Quân – tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong – cũng cho rằng đã đến lúc cần phải “cởi trói” chuyện đi lại cho người lao động nói riêng và người dân đã tiêm vắc xin 2 mũi (thẻ xanh) nói chung, mà không cần yêu cầu thêm giấy xét nghiệm âm tính.

Không chỉ mở ra để nhóm thẻ xanh này đi lại liên tỉnh làm việc, mà còn phải tạo điều kiện để cho họ được đi xe khách, tàu hỏa, máy bay khi có nhu cầu.

Ông Quân nói qua xem xét phương án đi lại cho người lao động, chuyên gia của TP.HCM đưa ra và văn bản góp ý của các tỉnh thấy vẫn có lấn cấn, nửa chừng.

Mỗi tỉnh góp ý dự thảo cho TP.HCM lại có những yêu cầu riêng mà nếu không thống nhất được, phương án đi lại có tỉ lệ khả thi rất thấp.

Trong đó vẫn bắt buộc đối tượng đã tiêm 2 mũi vắc xin phải có giấy xét nghiệm âm tính nhưng khoản này người lao động hoặc doanh nghiệp phải chịu cũng là khoản chi phí rất lớn sau thời gian dài ngưng sản xuất.

Nóng ruột chờ thông đường giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận - Ảnh 3.


Ông Đoàn Võ Khang Duy (giám đốc Công ty CP công nghiệp AMECO, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP.HCM):

Điều chỉnh những quy định chưa hợp lý

Dự thảo quy định về đi lại giữa TP.HCM đối với các tỉnh giáp ranh đã thông thoáng hơn so với trước, song theo tôi, vẫn chưa đồng bộ giữa các địa phương. Việc quy định lao động giữa TP.HCM và các tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, nhưng lại chưa có quy định về hiệu lực giấy xét nghiệm do doanh nghiệp tự thực hiện, buộc người lao động phải xét nghiệm tại cơ sở y tế sẽ tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp và người lao động.

Đối với việc cho đón đưa công nhân, quy định giãn cách trên xe là chở không quá 50% sức chứa gây lãng phí nguồn lực cho doanh nghiệp khi các công nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin, do đó cần xem xét lại, cho phép nâng tỉ lệ người ngồi trên xe lên thay vì phải tăng số lượng xe nhiều thêm.

Đồng thời cần tạo điều kiện tối đa để người lao động được đi lại bằng xe cá nhân theo phương thức “1 cung đường, 2 điểm đến” để người lao động chủ động hơn trong di chuyển.

Đối với luồng xanh cho xe tải, tôi cho rằng không nên áp dụng hình thức này nữa vì không còn khái niệm hàng hóa thiết yếu và thời hạn hiệu lực của luồng xanh theo thời hạn của xét nghiệm 72 giờ cũng không hợp lý.

Thay vào đó, chỉ cần kiểm tra kiểm soát con người tham gia vận tải thông qua các tiêu chí y tế, nhưng đối với người đã tiêm 2 mũi vắc xin thì nên nới lỏng tối đa.

longan

Kiểm tra “thẻ xanh” vắc xin hoặc giấy xét nghiệm tại quốc lộ 1 giáp ranh Long An – TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Nguyễn Văn Bé (chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM):

Tạo điều kiện tối đa cho người “thẻ xanh” đi lại

Cách quản lý việc đi lại đối với người lao động mỗi tỉnh còn khác nhau, do đó theo tôi cần có sự thống nhất cách quản lý trên tinh thần để người lao động đi lại, sản xuất an toàn. Đối với những người đã tiêm phòng 2 mũi vắc xin và có “thẻ xanh”, cần tạo điều kiện tối đa cho họ đi lại.

Các doanh nghiệp hiện rất kỹ lưỡng trong việc chống dịch, họ chủ động tầm soát, xét nghiệm người lao động theo các tiêu chí của Bộ Y tế cũng như tiêu chí của TP.HCM.

Do đó cần xem xét chấp thuận những kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp để tạo điều kiện tối đa cho người lao động đi lại, không nên áp đặt các tiêu chí rườm rà hơn để kiểm soát ngoài đường.

NGỌC HIỂN ghi

https://tuoitre.vn/nong-ruot-cho-thong-duong-giua-tp-hcm-va-cac-tinh-lan-can-20211009083046303.htm

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *