Ngành nông nghiệp xuất siêu trên 3,3 tỉ USD

Đăng ngày 04/10/2021 lúc: 16:4983 lượt xem

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19, nhưng 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 35,5 tỉ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ tích từ những ngành hàng nhiều tỉ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 67,7 tỉ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu ước đạt trên 35,5 tỉ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 32,2 tỉ USD, tăng 41,6%.

Như vậy, trong 9 tháng, xuất siêu ngành nông nghiệp đạt trên 3,3 tỉ USD, là kỳ tích trong bối cảnh toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong 9 tháng năm 2021, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Càphê, caosu, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế…

“Đáng chú ý là, các mặt hàng caosu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Caosu tăng 17,1% khối lượng và tăng 52,7% giá trị, hạt điều tăng 16,6% khối lượng và tăng 14,8%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 12,9% về khối lượng và tăng 27,7% giá trị. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng; hay càphê dù khối lượng giảm 4,2% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 4,4%” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Thống kê của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, nhiều nhóm sản phẩm khác cũng có mức tăng trưởng rất ấn tượng: Nhóm sản phẩm mây, tre, cói thảm tăng 50,3%; sản phẩm gỗ tăng 30,1%; quế tăng 18,1%; sản phẩm chăn nuôi tăng 17,5; cá tra tăng 6,2%; tôm tăng 4,4%…

Mặc dù số lượng gạo xuất khẩu giảm, nhưng các thương nhân vẫn lạc quan về xuất khẩu trong thời gian tới, bởi nhu cầu lương thực trên thế giới không bao giờ ngừng, giá sẽ tăng trở lại khi nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 122 nghìn tấn gạo, tăng 3,39% so với tuần trước. Trong khi đó, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 157 nghìn tấn và Pakistan chỉ xuất khẩu được 95 nghìn tấn. Mặc dù bị gạo của Ấn Độ cạnh tranh về giá, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang vượt lên gạo Thái Lan cả về giá và số lượng khi từ ngày 27.9 đến nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức 428 – 432 USD/tấn FOB, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan ở mức 383 – 387 USD/tấn. Điều này đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo có xu hướng lạc quan hơn trong bối cảnh số lượng xuất khẩu bị giảm sút.

Hoàn thành các mục tiêu để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ kinh tế

Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê từng đánh giá rất cao vai trò của ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương và thể hiện vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, khi nhiều nhóm ngành đã tăng trưởng âm trong quý III/2021.

Để nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, Bộ NNPTNT đặt một số chỉ tiêu về sản xuất cả năm như: Sản lượng lúa cần đạt trên 43 triệu tấn; sản lượng thịt lợn hơi cần đạt trên 4,3 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm khoảng 1,9 triệu tấn; tổng sản lượng thủy sản cần đạt trên 8,6 triệu tấn; sản lượng khai thác gỗ cần đạt trên 18 triệu mét khối.

“Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 44 tỉ USD” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Còn theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, mặc dù ảnh hưởng của COVID-19, nhưng sản lượng lúa năm 2021 vẫn đảm bảo 43 triệu tấn, nguồn cung gạo của Việt Nam vẫn dồi dào, đủ cung ứng từ 6,5-7 triệu tấn cho xuất khẩu.

VŨ LONG
https://laodong.vn/kinh-te/nganh-nong-nghiep-xuat-sieu-tren-33-ti-usd-960147.ldo

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *