Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh thống nhất dự kiến thành lập tổ điều phối hợp tác liên vùng trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
Lực lượng chức năng tại chốt trên quốc lộ 1 (Mỹ Yên, Long An) kiểm soát người lưu thông từ TP.HCM về Long An phải quay đầu nếu không đúng đối tượng cho phép (ảnh chụp chiều 29-9) – Ảnh: TỰ TRUNG
Hiện tại, dự thảo thỏa thuận hợp tác nêu rõ TP.HCM và các tỉnh trên nằm sát nhau, có mối quan hệ kinh tế – xã hội chặt chẽ, có sự di chuyển qua lại liên tục, đan xen của người dân và đặc điểm diễn biến dịch tương đồng.
Do đó, việc phòng chống dịch cần phải tiếp cận một cách tổng thể, có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các địa phương mới hiệu quả, bền vững.
Thống nhất quy định kiểm soát tại các chốt
Theo dự thảo, các địa phương dự kiến tuân thủ sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tùy tình hình kiểm soát dịch mà thực hiện thận trọng các nội dung mở cửa lại kinh tế. Từng bước nới lỏng giãn cách phù hợp tình hình kiểm soát dịch tại từng địa bàn, khu vực, đảm bảo chắc chắn, an toàn.
Cụ thể, áp dụng hướng dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm trong lưu thông, tại nhà máy, xí nghiệp… và công nhận, chia sẻ kết quả xét nghiệm của các địa phương. Ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động quay trở lại làm việc, tại các vùng giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh; lao động trong chuỗi cung ứng, ngành hàng sản xuất thiết yếu; lao động trong ngành dịch vụ, du lịch.
Mặt khác, tạo kênh thông tin giữa các địa phương để nắm được tình hình sản xuất, tiêu thụ của hàng hóa, sản phẩm và có phương án phân phối hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các địa phương.
Lập danh sách các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đã được hoạt động trở lại và các địa phương cùng thống nhất phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để kết nối lại giao thương.
Ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu; người lao động trong các ngành vận tải và logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải, liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu.
Tạo điều kiện cho việc lưu thông, thống nhất các quy định trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thông suốt giữa các tỉnh thành. Các địa phương chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại điểm đi, điểm đến, không kiểm tra trên đường.
Quy định kiểm soát lưu thông tại các chốt cần triển khai thống nhất đến tất cả các địa bàn trong phạm vi tỉnh, TP, không chỉ ở các đường giao thông liên tỉnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải thông chốt qua app khai báo y tế từ Long An vào TP.HCM tại chốt kiểm soát tỉnh lộ 10 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) giáp ranh với Long An – Ảnh: TỰ TRUNG
Nghiên cứu cách thức chia sẻ, liên thông, dữ liệu dùng chung
Cũng theo dự thảo, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, chuyên gia, nhà quản lý di chuyển trong địa bàn và liên tỉnh. Thống nhất tiêu chí, thủ tục kiểm soát lưu thông của từng loại đối tượng lao động.
Ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, trong đó đối với mũi 2, trường hợp người lao động còn ở các tỉnh thì các tỉnh tổ chức tiêm, nếu đã quay lại TP.HCM thì TP tổ chức tiêm.
Áp dụng thống nhất mô hình “thẻ xanh COVID-19” để di chuyển qua lại giữa các tỉnh, TP. Chuyên gia nước ngoài tới sân bay Tân Sơn Nhất di chuyển về các tỉnh sẽ được tạo “luồng xanh”, sẽ được hỗ trợ, phối hợp để đảm bảo việc di chuyển thuận lợi và không phải cách ly nhiều lần trong cùng một lộ trình di chuyển.
Ngoài ra, các địa phương thống nhất tập trung phối hợp giải quyết đồng bộ các kiến nghị của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các tập đoàn toàn cầu, sử dụng nhiều lao động, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế để đảm bảo các doanh nghiệp này khôi phục chuỗi cung ứng.
Theo đó, xác định chuỗi đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại địa bàn và trong mối liên hệ với địa phương khác; ghi nhận các yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và xác định các điều kiện hỗ trợ FDI với các địa phương khác để trao đổi, thống nhất giải pháp thực hiện.
Theo dự thảo hợp tác, các địa phương thống nhất dữ liệu là tài sản quan trọng, không chỉ với việc quản lý rủi ro cho các hoạt động mở cửa kinh tế – xã hội trong điều kiện có dịch, mà là nguồn tài nguyên quan trọng cho việc phục hồi và tái thiết kinh tế trong giai đoạn tới.
Nghiên cứu cách thức chia sẻ, liên thông, dữ liệu dùng chung như xét nghiệm, vắc xin, khai báo y tế, thẻ đi đường, “luồng xanh”… để hình thành một hệ thống dữ liệu duy nhất cho cả vùng.
“Trên cơ sở sử dụng dữ liệu dùng chung, đối tượng lưu thông đã thực hiện các biện pháp về phòng chống dịch tại tỉnh thành nơi đi theo đúng quy định và còn trong thời gian hiệu lực thì không phải thực hiện lại ở tỉnh, TP nơi đến” – dự thảo nêu.
Một nhóm bạn trẻ đi xe máy về Bình Định nhưng bị lực lượng chức năng tại chốt cầu Đồng Nai bắt quay đầu xe sáng 29-9 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
PGS.TS Nguyễn Phương Thảo (giảng viên khoa công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần liên thông về chiến lược tiêm vắc xin
Nghiên cứu mô hình mở cửa các nước trên thế giới cho thấy có hai kiểu mở cửa thông dụng nhất: từng TP tự lo mở cửa hoặc một số TP tương đồng về yếu tố dịch tễ cùng liên kết mở cửa.
Việc mở cửa liên thông có thuận lợi bởi sự giao lưu giữa một TP lớn và các tỉnh lân cận là rất lớn. Nhưng để họ mở chung được như vậy nhờ có tỉ lệ và chiến lược tiêm chủng khá tương đồng trong toàn bộ vùng.
Hiện tỉ lệ và chiến lược tiêm chủng giữa TP.HCM và các tỉnh không tương đồng. Tỉ lệ phủ vắc xin và số người nhiễm của TP cao hơn các tỉnh dẫn đến sự tương đồng mặt dịch tễ không có.
Mặt khác, chiến lược tiêm giữa các tỉnh thành khác nhau. Có tỉnh ưu tiên tiêm cho người già, người có bệnh nền nhưng cũng có tỉnh ưu tiên tiêm cho công nhân, người lao động trẻ…
Muốn liên thông mở cửa thì đầu tiên phải đảm bảo an toàn cho tất cả các tỉnh trong vùng. Do vậy, khi chưa có sự tương đồng về dịch tễ, TP.HCM và các tỉnh phải thống nhất mức độ kiểm soát đi lại, nới lỏng dần. Lâu dài, để đảm bảo điều kiện mở cửa liên thông an toàn, các tỉnh thành phải liên thông được chính sách tiêm vắc xin.
Muốn vậy, dù các địa phương đều đang muốn có nhiều vắc xin để tiêm đủ cho toàn dân thì cũng phải nhìn rộng hơn và có sự điều tiết lượng vắc xin được phân bổ để tiêm cho những người có nguy cơ trong toàn vùng.
TP.HCM sẽ phải điều tiết vắc xin cho các tỉnh để tiêm đủ cho người có nguy cơ cao. Ngược lại, các tỉnh cũng phải xác định rõ chiến lược ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ cao, chứ không phải ưu tiên tiêm cho các đối tượng để phù hợp nhu cầu mở cửa của riêng tỉnh.
Việc tiêm như vậy có thể giúp cho các tỉnh nhanh chóng mở cửa nhưng lâu dài nếu những người có nguy cơ cao chưa được bảo vệ, khi họ bị nhiễm sẽ dễ chuyển nặng gây áp lực khiến hệ thống y tế quá tải và lúc đó cũng phải đóng cửa, dừng sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) xếp hàng chờ tiêm vắc xin – Ảnh: A LỘC
Mặt khác, việc đánh giá tỉ lệ tiêm vắc xin về lâu dài chưa đủ. Các tỉnh phải liên thông đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin, bởi thời gian tiêm vắc xin của người dân TP và các tỉnh rất lệch nhau, người dân tiêm vắc xin chia làm nhiều đợt khác nhau. Có người tiêm hồi tháng 5 nhưng cũng có người mới tiêm tháng 9 hoặc tháng 10 nên hiệu lực bảo vệ khác nhau.
Do vậy, cần có chương trình giám sát miễn dịch chung hoặc phải có dữ liệu tiêm chủng đầy đủ toàn vùng để đánh giá nguy cơ dịch tễ toàn vùng, thậm chí lên phương án tiêm vắc xin bổ sung sau này.
Dự thảo thỏa thuận hợp tác liên kết vùng trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế được Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM xây dựng sau hội nghị về liên kết vùng trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế giữa lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh.
Dự thảo đã gửi UBND TP.HCM xem xét, quyết định gửi các tỉnh có góp ý. Yêu cầu được đưa ra là các địa phương phải nghiên cứu và thống nhất về đánh giá mức độ dịch, các biện pháp dịch tễ cần triển khai nhằm tiến tới kiểm soát dịch cũng như định hướng, chủ trương, chính sách để có thể cùng nhau mở cửa và phục hồi kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Chính phủ cần cấp tốc tạo “luồng xanh” liên tỉnh
TP.HCM nhận thức rất đúng là không thể mở cửa một mình, do chuỗi cung ứng không phải gói gọn trong riêng TP. Việc này vượt sức TP và do đó Chính phủ cần gấp rút vào cuộc để “luồng xanh” an toàn di chuyển liên tỉnh.
Để giải quyết điểm nghẽn này cần phải có sự phối hợp của các bộ, tuy nhiên Chính phủ cũng cần đặt ra mốc thời gian cụ thể để các bộ thống nhất cho ra ứng dụng chung đó.
Nếu đến hạn các bộ không thống nhất được, Thủ tướng cần cầm trịch chỉ đạo dứt điểm việc này. Bởi đây là yếu tố trọng tâm nhất của việc mở cửa, khôi phục nền kinh tế và vượt ra ngoài tầm của các địa phương.
Chuỗi sản xuất không thể vận hành theo kiểu “3 tại chỗ”, không giới hạn trong TP.HCM mà ngang dọc, chằng chịt với Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Dù TP.HCM mở cửa nhưng giao thông không liên thông được với các tỉnh thì không hiệu quả về kinh tế.
Các tỉnh sẽ phối hợp với TP.HCM
Kết luận tại hội nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An vào chiều tối 29-9, ông Nguyễn Văn Được – bí thư Tỉnh ủy Long An – cho biết một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều hiện nay là việc doanh nghiệp tại Long An đề nghị cho phép được tổ chức đưa rước người lao động qua lại hằng ngày giữa tỉnh này và TP.HCM.
Theo ông Được, ông cũng đồng ý quan điểm người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 có thể thực hiện “một cung đường, hai điểm đến” trong ngày để đi làm giữa TP.HCM và Long An.
Tuy nhiên, hiện tại TP.HCM vẫn chưa cho người dân qua lại nên Long An vẫn sẽ tiếp tục thực hiện việc đi lại như cũ (chỉ có những chuyên gia, quản lý doanh nghiệp nếu được TP.HCM xác nhận đồng ý thì có thể đi lại).
Ông Đặng Hoàng Tuấn – giám đốc Sở GTVT Long An – cho biết theo chỉ đạo của tỉnh, từ ngày 1-10 Long An vẫn tiếp tục thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ ra vào, không cho các phương tiện cá nhân từ bên ngoài tỉnh đi vào.
Riêng việc tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà quản lý có thể đi lại hằng ngày, Long An sẽ phối hợp với TP.HCM thực hiện.
Theo đó, điều kiện của những người được đi lại giữa hai địa phương sẽ là đã tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19, được Sở GTVT tỉnh Long An hoặc Sở GTVT TP.HCM xác nhận, cấp giấy đi đường để qua các chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ giáp ranh và phương tiện đăng ký đi lại phải bằng ôtô. Các doanh nghiệp có nhu cầu có thể liên hệ với hai đơn vị trên đăng ký để được giải quyết.
Trong khi đó, ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – chia sẻ việc kiểm soát liên tỉnh với các địa phương lân cận, hiện Bình Dương đang phối hợp với TP.HCM và các tỉnh thông qua đầu mối là Sở GTVT để thống nhất về phương án đi lại, đưa rước đối với công nhân, người lao động và chuyên gia.
Chủ trương trước mắt là tạo điều kiện, tổ chức đưa đón người lao động tại các “vùng xanh” của các địa phương để đi làm việc. Sau đó, tùy theo diễn biến thực tế mà các tỉnh sẽ tiếp tục thảo luận và có phương án điều chỉnh cho phù hợp.
Có thể đi lại nội vùng
Hiện tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có tỉ lệ mắc COVID-19 cao và tỉ lệ tiêm vắc xin cũng vào hàng cao nhất nước, nên một chuyên gia về dịch tễ cho rằng có thể đi lại trong nội vùng và chỉ nên có biện pháp sàng lọc với người đi từ các tỉnh thành này sang vùng có tỉ lệ mắc/tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Tất nhiên khi nới giãn cách có thể có một tỉ lệ bị lây nhiễm COVID-19, nhưng khi tỉ lệ tiêm vắc xin cao thì nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong sẽ giảm xuống rất thấp.
“Tuy vậy nên có phương án chung giữa các địa phương, Bộ Y tế và Bộ GTVT nên sớm bàn, tránh những khó khăn như Hà Nội đã gỡ phong tỏa theo chỉ thị 16 nhưng người từ Hà Nội đi nhiều tỉnh khác vẫn bị cấm hoặc phải cách ly… Chỉ yêu cầu cách ly với người từ vùng dịch, tức là khu vực có ca mắc cộng đồng, khu vực phong tỏa…” – chuyên gia này cho biết.
Bên cạnh đó, nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR để truy vết. “Chính phủ nên chủ trì để bàn và thực hiện việc này” – vị chuyên gia nói.
S.LÂM – B.SƠN – L.ANH
Tổ chức giao thông cho người đi lại thường xuyên
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát kiểm tra khai báo y tế đối với một tài xế từ TP.HCM qua địa bàn Đồng Nai – Ảnh: A LỘC
Sở GTVT TP.HCM cũng có dự thảo phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh khi chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh COVID-19.
Theo dự thảo, các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện mã QR. Phương tiện có lộ trình quá cảnh qua TP không được dừng, đỗ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Ôtô chở hàng, ôtô tải hoạt động trong khu vực nội ô TP tuân thủ quy định của UBND TP về hạn chế và cấp phép ôtô chở hàng, ôtô tải lưu thông trong khu vực nội ô.
Công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp đưa đón từ các tỉnh, TP đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP và ngược lại phải đáp ứng các điều kiện như tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế đủ điều kiện tham gia hoạt động. Có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực.
Xe đưa rước công nhân phải là ôtô khách từ 10 chỗ trở lên thuộc sở hữu của đơn vị (trường hợp xe nội bộ, xe không kinh doanh vận tải) hoặc thuê đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Xe vận chuyển chuyên gia là ôtô đến 9 chỗ thuộc sở hữu đơn vị (trường hợp xe nội bộ, xe không kinh doanh vận tải), xe cá nhân của chuyên gia hoặc thuê đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.
Các công ty, doanh nghiệp xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT để phối hợp với sở GTVT tỉnh, TP liên quan để cấp giấy nhận diện có mã QR.
Ở chiều ngược lại, sở GTVT tỉnh, TP cấp giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện của các đơn vị đưa đón công nhân, chuyên gia từ TP.HCM đến làm việc tại các tỉnh, TP sau khi thống nhất phương án với Sở GTVT TP.
Các đơn vị tổ chức vận chuyển công nhân, chuyên gia có trách nhiệm thông báo danh sách phương tiện, thời gian, hành trình vận chuyển kèm theo danh sách lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và nhận diện phương tiện cho các sở GTVT, các chốt kiểm soát dịch (nếu có) trên hành trình của phương tiện đi qua để phối hợp kiểm tra, giám sát.
Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe và người ngồi trên xe; cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình, đối tượng vận chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Lái xe khi điều khiển phương tiện di chuyển trên đường thực hiện nghiêm nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”; không được dừng, đỗ, trừ trường hợp khẩn và mang theo danh sách, kiểm soát chặt chẽ người đi xe.
Đến TP.HCM đi viện thế nào?
Người dân từ các tỉnh vào TP.HCM để khám chữa bệnh, ngoại trừ trường hợp cấp cứu, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu).
Đồng thời, phải đảm bảo một trong các điều kiện như giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, TP đến bệnh viện tại TP hoặc giấy hẹn tái khám của các bệnh viện tại TP. Hoặc có xác nhận của chính quyền phường, xã cho phép di chuyển đến TP khám chữa bệnh.
T.LONG – T.LÊ
https://tuoitre.vn/tphcm-lien-ket-cac-tinh-mo-cua-ra-sao-20210930082611799.htm