Số ca COVID-19 mới 10 ngày qua của Bình Dương thấp hơn nhiều so với công bố, vì sao?

Đăng ngày 28/09/2021 lúc: 17:1174 lượt xem

Theo số liệu Bộ Y tế công bố 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày Bình Dương ghi nhận khoảng 3.500 ca nhiễm COVD-19. Thực tế số ca nhiễm mới phát hiện trong thời gian này thấp hơn nhiều so với số công bố. Vì sao?

Số ca COVID-19 mới 10 ngày qua của Bình Dương thấp hơn nhiều so với công bố, vì sao? - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt Chính phủ làm việc với Bình Dương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 – Ảnh: TIẾN LONG

Sáng 28-9, trao đổi tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt Chính phủ, ông Nguyễn Văn Lợi – bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – cho biết gần đây Bình Dương tập trung quyết liệt xét nghiệm, truy vết ca nhiễm COVID-19 (F0) theo chỉ đạo của Thủ tướng và ngành y tế.

Theo ghi nhận, số ca F0 có nơi tăng, nơi giảm nhưng tính chung toàn địa bàn Bình Dương thì giảm nhiều so với giai đoạn đầu tháng 9. Trong 10 ngày qua, số ca nhiễm mới của Bình Dương chỉ trên dưới 1.500 ca/ngày. Tuy nhiên số ca công bố theo báo cáo của Bộ Y tế lại gần 3.500 ca/ngày.

Lý giải việc này, ông Lợi cho hay từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, ở Bình Dương có 10.000 ca F0 được xét nghiệm nhanh đưa vào điều trị nhưng chưa được công nhận là bệnh nhân. Nguyên nhân theo quy định của ngành y tế, những người này phải xét nghiệm PCR mới được công nhận.

Do vậy thời gian qua, sau khi xét nghiệm PCR, các ca này được công bố, cộng thêm số ca nhiễm mới phát hiện đã đẩy số ca F0 được công bố của Bình Dương những ngày qua tăng cao so với thực tế.

Bí thư Bình Dương cho rằng 10.000 ca hầu hết đã điều trị khỏi và xuất viện. Nếu tiếp tục xét nghiệm PCR khẳng định để họ được công nhận là bệnh nhân sẽ rất tốn kém về thời gian, công sức và ngân sách. Do vậy, ông Lợi đề nghị xem xét lại quy định, nếu lấy chi phí xét nghiệm PCR để hỗ trợ cho F0 sẽ tốt hơn.

Cũng theo ông Lợi, trong số 15.000 ca F0 nhiễm mới trong 10 ngày qua có đến 5.000 người điều trị tại nhà. Bình Dương phải tổ chức lại mạng lưới y tế cộng đồng, y tế cơ sở.

Mặt khác, Bình Dương cũng đang thay đổi “cách đánh”, truy vết, điều trị F0. Tại TP Thủ Dầu Một đang thí điểm nếu phát hiện một số lượng ca F0 tại một khu dân cư thì sẽ khoanh toàn khu lại, sau đó đưa tổ y tế của trạm y tế lưu động xuống cắm chốt, phát thuốc điều trị ngay tại khu phố.

Tại khu phố này cũng không tổ chức xét nghiệm nữa, thay vào đó sẽ tập trung vào phát hiện, theo dõi người có triệu chứng để cấp phát thuốc điều trị. Cách làm mới này giúp giảm thời gian, công sức và tiền của cho việc truy vết.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá để cách đánh trên hiệu quả, vai trò của lực lượng cơ sở rất quan trọng. Ở nơi nào bí thư, chủ tịch địa phương quyết liệt sẽ sớm kiểm soát được tình hình.

Bình Dương đang củng cố lại khoảng 4.000 tổ COVID-19 cộng đồng. Đặc điểm của Bình Dương là mỗi khu phố có rất nhiều hẻm, xóm và nhà trọ. Tỉnh đã bàn với ngành y tế tham mưu tổ chức mỗi ngõ, nhà trọ phải có một tổ tự quản và có chính sách hỗ trợ để tổ này tham gia hỗ trợ giám sát F0.

Mặt khác, tổ chức, kiện toàn lại hệ thống y tế lưu động. Hiện dân số Bình Dương khoảng 2,6 triệu người, trong đó có 1,4 triệu công nhân ở khu công nghiệp.

Tỉnh chủ trương cứ 10.000 – 12.000 công nhân sẽ lập một trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp do tư nhân quản lý. Với số lượng công nhân hiện nay sẽ cần 100 trạm y tế, hiện tỉnh đã lập được 10 trạm.

Các trạm y tế này sẽ vừa khám, chữa trị bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng thấp. Hiện các địa phương đang bàn và các tổ chức y tế tư nhân rất ủng hộ.

Tính ra để lập các tổ COVID-19 cộng đồng và trạm y tế lưu động thì dự kiến cần 1.000 người. Ngoài ra, khi tổ chức lại các tầng điều trị 1 và 2 ở các huyện, thị xã, thành phố, Bình Dương cần 600 y, bác sĩ và điều dưỡng.

Cải tiến phương thức xét nghiệm theo hướng tăng cường mẫu gộp, mẫu đại diện

dscf4235

Thượng tướng Võ Minh Lương – thứ trưởng Bộ Quốc phòng – hỏi thăm một tổ quân y tại TP Thuận An (Bình Dương) – Ảnh: TIẾN LONG

Bí thư Thành ủy TP Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương cho biết với những phường, khu phố có nhiều khu trọ, đông công nhân, cần có những phương thức tổ chức xét nghiệm linh hoạt, khác với xét nghiệm ở nhà dân. Có những xóm trọ xét nghiệm tới 8 vòng, 10 vòng nhưng vẫn không sạch được hoàn toàn.

Theo bà Phương, đối với những địa bàn bị nhiễm nặng với tỉ lệ trên 10%, nên áp dụng giải pháp khoanh vùng, cấp thuốc điều trị, chăm sóc, xử lý kịp thời các trường hợp có triệu chứng, hoặc có bệnh nền thay vì xét nghiệm rất nhiều vòng nhưng cũng không thể “làm sạch” hoàn toàn.

Thượng tướng Võ Minh Lương – thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ – đề nghị tỉnh Bình Dương đúc kết lại những kinh nghiệm tổ chức xét nghiệm diện rộng, nhất là tại các xóm trọ, để tiếp tục cải tiến phương thức xét nghiệm theo hướng tăng cường mẫu gộp, mẫu đại diện để đạt hiệu quả cũng như tốc độ xét nghiệm.

https://tuoitre.vn/so-ca-covid-19-moi-10-ngay-qua-cua-binh-duong-thap-hon-nhieu-so-voi-cong-bo-vi-sao-20210928135227146.htm

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *