Từ 1-10, TP.HCM ‘mở cửa’ những gì?

Đăng ngày 28/09/2021 lúc: 17:0474 lượt xem

Trong dự thảo chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn và phục hồi kinh tế mà UBND TP.HCM gửi các quận huyện góp ý vào hôm qua 27-9, TP.HCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội từ 1-10.

Từ 1-10, TP.HCM mở cửa những gì? - Ảnh 1.

Cửa hàng thực phẩm bán mang về trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM bán từ sáng đến tối – Ảnh: TỰ TRUNG

Vậy TP.HCM dự kiến “mở cửa” những gì và ý kiến của người dân, doanh nghiệp thế nào?

Dự kiến mở nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh

– Với hoạt động, sản xuất, kinh doanh: TP.HCM cho phép tổ chức hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà, tập trung tối đa 10 người. Trường hợp 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 50 người.

– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có “thẻ xanh” được tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận huyện khi đáp ứng các tiêu chí an toàn; hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y; công trình giao thông, xây dựng.

– Hoạt động thương mại, kinh doanh, dịch vụ gồm các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; các cơ sở kinh doanh dược, vật tư, trang thiết bị y tế; dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa được phép hoạt động trở lại; cung cấp lương thực, thực phẩm; xăng, dầu, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu, sửa chữa; dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; dịch vụ tiện ích công như: cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ cưới hỏi; hoạt động tang lễ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc; bưu chính, viễn thông; xuất bản, báo chí; hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến;

– Trung tâm thương mại; siêu thị (bao gồm siêu thị mini), cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, cơ sở bán lẻ hàng hóa các loại; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được bán hàng mang đi, trừ trường hợp địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán ăn uống tại chỗ); chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống; cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất.

– Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, tham quan bảo tàng được hoạt động tối đa 30% công suất.

– Các địa điểm hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật gồm những sự kiện, thi đấu thể dục, thể thao tổ chức quy mô tối đa 30% công suất. Các hoạt động thể dục thể thao hằng ngày của người dân được hoạt động tối đa 10 người. Tổ chức đám cưới tối đa 50 người tham dự; đám tang tối đa 20 người tham dự cùng một thời điểm và có sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.

– Tiếp tục tổ chức dạy học gián tiếp, từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn.

Từ 1-10, TP.HCM mở cửa những gì? - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm soát xe qua trạm trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

TP.HCM khó đạt các tiêu chí của Chính phủ, Bộ Y tế

Hôm qua 27-9, báo cáo tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM nghiên cứu rất kỹ dự thảo hướng dẫn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Theo ông Mãi, đây là bộ tiêu chí khoa học, tuy nhiên với tình hình TP.HCM hiện nay việc thực hiện sẽ rất khó. Do vậy TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho TP.HCM vẫn thực hiện theo hướng dẫn nhưng có một số chi tiết điều chỉnh phù hợp với tình hình TP.HCM (xem chi tiết bảng bên dưới).

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19 và nhiều quốc gia vẫn áp dụng các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch.

Theo ông Sơn, mặc dù tỉ lệ người đã tiêm vắc xin nhiễm COVID-19 trở nặng không cao, nhưng nếu số ca nhiễm mới tăng cao, số lượng trở nặng sẽ rất cao gây gánh nặng hết sức lớn với ngành y tế. Ngay cả Singapore tính mở cửa trở lại nhưng rồi phải phong tỏa một số khu vực. Do vậy, ông đề nghị nhận thức đánh giá lại sự nguy hiểm của COVID-19, không chủ quan, lơ là.

Ông Sơn nói Việt Nam không thể có trạng thái “zero COVID-19” và bắt buộc phải trở về trạng thái bình thường mới. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế dự thảo hướng dẫn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Thời gian qua có nhiều ý kiến của các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cho rằng các tiêu chí trong hướng dẫn sẽ khó áp dụng ở một số địa phương. Bộ Y tế tiếp thu và chắc chắn có chỉnh sửa phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, TP.HCM mở cửa trở lại phải tuân thủ tiêu chí Chính phủ, Bộ Y tế đưa ra tốt hơn là có cơ chế đặc thù.

Ông gợi ý TP.HCM đã có đánh giá nguy cơ dịch toàn địa bàn, nay dựa trên xét nghiệm, tầm soát F0, tỉ lệ tiêm vắc xin… từng địa bàn có thể đánh giá nguy cơ ở các cấp nhỏ hơn như quận huyện, kể cả tổ dân phố từ đó linh hoạt áp dụng các biện pháp khác nhau trên toàn TP.HCM.

Từ 1-10, TP.HCM mở cửa những gì? - Ảnh 3.

Nhân viên quán ăn trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM áp dụng “3 tại chỗ” khi mở quán – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tiếp tục dừng các hoạt động đông người, trong không gian kín

TP.HCM tiếp tục tạm dừng các hoạt động như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mittinh, lễ phát động; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo…

Dự thảo cũng nêu TP.HCM sẽ sử dụng các ứng dụng để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông an toàn. Tất cả các cơ quan, đơn vị được phép hoạt động phải đăng ký mã QR khai báo y tế điện tử; toàn bộ người đến liên hệ công tác tại các cơ quan, đơn vị phải khai báo y tế bằng mã này.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng ứng dụng PC-COVID hoặc “thẻ xanh COVID” để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

 

TP.HCM phải xác định kỹ thứ tự ưu tiên hoạt động được mở

Phát biểu tại cuộc họp chiều 27-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại TP.HCM dịch COVID-19 đã ngấm rất sâu, vì vậy hiện TP vẫn phải kiên định mục tiêu đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường, điều chỉnh tích cực hoạt động của người dân, doanh nghiệp rồi mới từng bước “mở cửa” hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này người dân vẫn phải chịu khó cam khổ về sinh hoạt.

Theo ông Đam, TP.HCM phải bàn kỹ, xác định kỹ thứ tự ưu tiên các hoạt động được mở ra. Ông gợi ý mục tiêu đầu tiên là mở các nhà máy lớn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để công nhân được đi làm lại, giảm gánh nặng an sinh xã hội. Tiếp đến mở một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ và sau đó mở từng bước chắc chắn các hoạt động sinh hoạt đời sống.

Ông Đam tiếp tục đề nghị TP.HCM lập bản đồ dịch đến từng tổ dân phố, tiến đến quản lý từng gia đình. Đồng thời, đánh giá năng lực giám sát dịch từng phường, tổ dân phố. Trong đó có năng lực xét nghiệm, điều tra dịch tễ, tiếp nhận điều trị… Bởi theo ông, sau khi “mở cửa”, nếu có ổ dịch vẫn phải tiếp tục nhanh chóng xét nghiệm, điều tra dịch tễ để khoanh vùng ổ dịch.

Từ 1-10, TP.HCM mở cửa những gì? - Ảnh 6.

Bộ Y tế vẫn trong quá trình lấy ý kiến góp ý, sẽ tiếp tục chỉnh sửa

Trước những kiến nghị của TP.HCM về khó khăn nếu áp dụng như dự thảo bộ tiêu chí của Bộ Y tế, thông tin từ Bộ Y tế cho hay dự thảo này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến và sẽ tiếp tục chỉnh sửa cho khả thi và phù hợp hơn.

Tuổi Trẻ đã liên lạc với bà Nguyễn Liên Hương – cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế – để hỏi xem những vấn đề có thể chỉnh sửa, hay có nên có một hướng dẫn riêng do tình hình dịch tại TP.HCM có những phức tạp hơn nhiều so với các địa phương khác, nhưng bà Hương cho biết do đang là dự thảo nên bà không trả lời.

T.LONG – L.ANH

 

Siêu thị, doanh nghiệp sản xuất ý kiến gì?

Bỏ bớt chốt kiểm soát, làm rõ khái niệm thẻ xanh

san xuat

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã duy trì “3 tại chỗ” mong muốn sản xuất theo mô hình mới. Trong ảnh: sản xuất dệt may tại TP Thủ Đức – Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo đại diện một siêu thị tại TP.HCM, nên xem xét bỏ bớt chốt ở các địa bàn giáp ranh vì thời gian tới khối lượng vận chuyển hàng chắc chắn sẽ tăng cao khi được nới lỏng. Việc chờ chực để quét mã kiểm tra tại các chốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ, mất an toàn.

Đại diện Bách Hóa Xanh chia sẻ nhiều cá nhân, đơn vị đang còn mơ hồ với khái niệm thẻ xanh, mỗi nơi hiểu một kiểu. Do đó nếu không sớm xác định rõ khái niệm này sẽ gây khó cho người lao động, khách hàng mua sắm.

Đại diện Phòng kinh tế quận 11 cho rằng dự thảo có nội dung “chợ truyền thống hoạt động tối đa 50% công suất” là chưa rõ ràng. Cần phải quy định cụ thể thêm như mặt hàng hoặc lực lượng tiểu thương nào được bán, định nghĩa mặt hàng thiết yếu, 50% công suất là theo thiết kế…

 

Xem xét khâu “3 tại chỗ”

Các doanh nghiệp cho rằng TP.HCM cần thông tin cụ thể hơn về cách thức quản lý, tổ chức sản xuất, đặc biệt vấn đề “3 tại chỗ”, bởi quy định này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua.

Theo ông Trần Văn Trường – giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia (quận Phú Nhuận), nếu lao động của doanh nghiệp đã được tiêm 2 mũi vắc xin thì nên xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngưng “3 tại chỗ”, thay vào đó chỉ cần cho xét nghiệm COVID-19 định kỳ hoặc ngẫu nhiên cho lao động.

Ông Trần Quốc Thịnh – người sáng lập hệ thống lẩu gà ớt hiểm 109 (quận Phú Nhuận) – cho rằng dự thảo cần làm rõ với khâu giao hàng bởi hiện nay khâu này đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa và mức phí còn neo cao. “Sau 30-9, nếu không cung cấp miễn phí bộ kit xét nghiệm cho shipper thì các doanh nghiệp quản lý lực lượng này có dựa vào lý do này để tiếp tục điều chỉnh tăng phí giao hàng không? TP cần có sự can thiệp với khâu này” – ông Thịnh nói.

Ngoài ra, “có thể cho nhà hàng ở khu vực vùng xanh được bán tại chỗ với quy mô tối đa 30 khách cùng lúc, khách hàng phải đáp ứng thẻ vàng hoặc thẻ xanh COVID-19, giao cho chủ doanh nghiệp kiểm soát khâu này và chịu trách nhiệm trước chính quyền” – ông Thịnh đề xuất.

 

Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Phải “cởi trói” ngay cho vận chuyển hàng hóa

Trong giai đoạn TP.HCM phục hồi kinh tế, đầu tiên cần cùng các tỉnh thành thống nhất các bộ tiêu chí vận tải và thống nhất quy trình kiểm soát ở các chốt cửa ngõ để hàng hóa lưu thông được thuận lợi. Đồng thời Chính phủ phải có chế tài nghiêm đối với các địa phương ban hành các văn bản trái quy định, để tránh tình trạng gây tắc nghẽn hàng hóa.

Trong giai đoạn bình thường mới, cần xem tất cả các mặt hàng (trừ hàng hóa cấm vận chuyển) là hàng thiết yếu. Hiện nay, đa số tài xế đã tiêm vắc xin hai mũi (thẻ xanh), do đó cần tháo gỡ quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính và chỉ yêu cầu lái xe tự test định kỳ và chịu trách nhiệm với việc này. Quy định tài xế phải có giấy xét nghiệm rất tốn kém, tốn thời gian, chi phí vận tải đội lên rất nhiều.

 

Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):

Cần thống nhất liên tỉnh, liên vùng

Theo tôi, bước đầu sau “mở cửa” việc vận tải hành khách là 50% nhưng sau đó cần kịp thời điều chỉnh tăng lên vì vận tải khách mà hoạt động chỉ 50% số ghế chỉ từ hòa tới lỗ. Đặc biệt đối với những xe có vách ngăn như xe giường nằm, xe Limousine… ngay từ bây giờ có thể cho vận chuyển theo tỉ lệ 100% như dự kiến của Bộ GTVT.

Với xe liên tỉnh thì nhất thiết phải thống nhất với Bộ GTVT để các tỉnh không phản đối, không gây khó khăn cho hành khách, doanh nghiệp. Còn với xe đưa rước chuyên gia, công nhân cần thay mô hình “1 cung đường 2 điểm đến” bằng mô hình “1 cung đường 5-7 điểm đến” mới phù hợp với thực tế.

Đối với những lái xe, người phục vụ trên xe đã có (thẻ xanh) cần cho phép hoạt động bình thường và chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng bất thường. Đồng thời cả vận tải hàng hóa hoặc vận tải hành khách, chỉ kiểm tra giám sát tại nơi đi – nơi đến, không kiểm tra, giám sát trên hành trình di chuyển.

N.TRÍ – ĐỨC PHÚ ghi

 

* Bà Trần Thị Mỹ Hằng (chủ quán cơm tấm tại phường 25, quận Bình Thạnh): Tôi sẽ bán lại nhưng công suất cao lắm bằng 50% so với trước vì chỉ bán mang về. Tôi và nhân viên ở quán đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, trước mắt cứ bán tới đâu hay tới đó vì thời gian qua khó khăn quá rồi.

* Chị Nguyễn Ngân Khánh (quận 7): TP nên tạo điều kiện để người dân từ các tỉnh đủ điều kiện như thẻ xanh vắc xin, xét nghiệm âm tính có thể di chuyển lên TP.HCM hoặc từ TP.HCM về các tỉnh để xử lý các công việc cá nhân như khám chữa bệnh, chuẩn bị các loại giấy tờ phục vụ học tập, công việc…

* Anh Nguyễn Khánh Hưng (phường Tân Hưng, quận 7): Tôi thấy quy định về địa điểm hoạt động thể dục thể thao chưa hợp lý lắm vì sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tôi biết có thể TP lo ngại việc nới lỏng quy định thì người dân sẽ chủ quan, nhưng tôi nghĩ thời gian qua mọi người cũng đã thấy được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và tự trang bị cho mình những cách để phòng tránh lây lan rồi.

LÊ PHAN ghi

https://tuoitre.vn/tu-1-10-tp-hcm-mo-cua-nhung-gi-20210928084737269.htm

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *