Còn dư địa gói hỗ trợ lớn hơn

Đăng ngày 28/09/2021 lúc: 08:5077 lượt xem

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với chính sách tài khóa hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế – xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế, hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, hỗ trợ lãi suất có mục tiêu…

Còn dư địa gói hỗ trợ lớn hơn - Ảnh 1.

Người dân khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch nhận hỗ trợ tại TP.HCM – Ảnh: VŨ THỦY

Quan điểm này được đưa ra ngày 27-9, tại buổi tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội do ông Vương Đình Huệ chủ trì. Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác phòng chống dịch, điều hành phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách hỗ trợ…

Cần thiết phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Tổng chi cho hỗ trợ ở mức thấp

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB), cho hay Việt Nam đã chuyển từ “hạng sao” xuống hạng dưới trung bình do tình hình y tế xấu đi, tiêm chủng chậm và yêu cầu hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, các chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ (chỉ chiếm 0,86% GDP), theo WB.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ, ông Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, cho rằng với 4 gói hỗ trợ được công bố năm 2020 có quy mô khoảng 1,1 triệu tỉ đồng thì tổng giá trị thực là chi phí mà Chính phủ và các ngân hàng cam kết bỏ ra chỉ ước tính khoảng 184.700 tỉ đồng (bằng 2,94% GDP).

Điều đáng chú ý là việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội, đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ. Nguyên nhân là do các điều kiện đặt ra chưa phù hợp và rõ ràng, chưa sát thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp.

Đánh giá cao các chính sách hỗ trợ người dân của Việt Nam nhưng ông Terence Jones, quyền trưởng đại diện thường trú của UNDP, cho rằng gói hỗ trợ vừa không đủ lớn vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa và giãn cách xã hội.

Ông Terence Jones cũng dẫn chứng nghiên cứu mới đây, do Trung tâm phân tích và dự báo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện, cho thấy tỉ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 8-2021.

Theo đó, 90% số người được hỏi đã không nhận được hỗ trợ kể từ khi gói tháng 7-2021 được phê duyệt và lao động di cư, lao động tự do, người vô gia cư không đủ điều kiện được nhận trợ cấp. Hàng ngàn hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí cắt giảm cả tiền sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Có thể tăng chi hỗ trợ từ 0,2 đến 3% GDP

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng cho rằng việc kéo dài mô hình “Zero COVID”, thực hiện “phong tỏa cứng” đã tác động lớn đến chuỗi lưu thông.

Bày tỏ “vui mừng” khi Thủ tướng đã bắt đầu thay đổi mô hình chống dịch, song ông Dũng cho rằng cùng với việc phân cấp, phân quyền thì thời điểm này rất cần “mệnh lệnh từ trung ương” để tránh tình trạng “mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác”.

Tuy nhiên, để làm được theo lộ trình phục hồi và mở cửa nền kinh tế, bình thường hóa các hoạt động, các chuyên gia đồng loạt kiến nghị cần sớm mở rộng và ban hành những gói chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, đề nghị xem xét mở rộng gói hỗ trợ chính sách tài khóa để xóa đói giảm nghèo và phục hồi sau COVID-19, giảm rủi ro phá sản của doanh nghiệp.

Ông Cường dẫn chứng thêm là nghiên cứu của IMF cho hay Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ từ 0,2 đến 3% GDP (tương đương 260.000 tỉ đồng) mà không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Còn theo trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, Chính phủ có thể tăng đáng kể quy mô của chương trình hỗ trợ tiền mặt mà không vấp phải nguy cơ tăng lạm phát hoặc tăng lãi suất.

Cụ thể, cần có gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP của một quý được giải ngân trong những tháng cuối năm 2021 (khoảng 77.000 tỉ đồng), bằng với mức hỗ trợ của các quốc gia khác trong khu vực.

Chính sách này sẽ giúp gia tăng tiêu dùng lớn hơn, tác động lớn hơn nhiều đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế.

Đồng tình với các kiến nghị cần tập trung đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vắc xin, xét nghiệm là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí việc tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn.

Trong đó, chính sách tài khóa hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế – xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế, hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân, hỗ trợ lãi suất có mục tiêu và có địa chỉ cho doanh nghiệp…

Đồng thời, cần thiết phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp.

Đề nghị 3 giai đoạn phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh tác động sâu rộng của làn sóng dịch lần thứ 4, nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế quý 3 có thể chỉ đạt ở mức thấp khi nhiều ngành suy giảm.

Ông Cấn Văn Lực cho hay dự báo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, quý 3 có thể tăng trưởng sẽ âm 2% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được mức tăng GDP 2021 theo dự báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư là 3,5% – 4%, quý 4 phải tăng từ 5 – 6%.

TS Trần Thị Hồng Minh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đề nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế là ưu tiên phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững đến quý 1-2022, tiếp đến việc nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, tạo sức bật cho doanh nghiệp đến hết năm 2023 và sau 2023 sẽ bình thường hóa các chính sách, thúc đẩy cải cách sâu rộng.

https://tuoitre.vn/con-du-dia-goi-ho-tro-lon-hon-20210928080414822.htm

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *